BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vấn đề ăn chay, ăn mặn trong đạo Phật

Có tâm linh cao thượng gì khi là một người ăn chay?

Tỳ kheo Kumara


Giới thiệu: Tỳ kheo Kumara là người Mã Lai gốc Hoa. Khi còn là cư sĩ, ông đã từng hoạt động tích cực trong các hội Phật giáo tại Mã Lai, và là một trong những sáng lập viên của diễn đàn Phật giáo "Dhamma-List" trên mạng Internet. Bài nầy được viết và gửi vào diễn đàn đó khi ông còn là một Sa-di.

-ooOoo-

Trên diễn đàn nầy tôi biết có một số người ăn chay. Là một người có nhiều quan tâm về sức khỏe, tôi hầu như cũng thích ăn rau đậu. Tuy nhiên, tôi nhận thấy là có một số người hình như bám víu lấy một quan điểm mà theo ý tôi cần phải được nghiêm túc cứu xét lại -- nghĩa là quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay.

Ðối với những ai có quan điểm như thế, xin đọc những gì tôi viết dưới đây:

Như các bài kinh đã chỉ rõ, chính Ðức Phật - với trí tuệ rộng lớn - đã không bao giờ đòi hỏi các môn đệ của mình, tu sĩ hay cư sĩ, phải "ăn chay". Và như vậy, bạn nên xét lại quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay.

Chính Ðức Phật cũng không phải là người "ăn chay." Và như vậy, bạn nên xét lại quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay.

Một số người có thể tranh luận cho là qua dòng thời gian, ai đó đã sửa đổi một số chi tiết trong các kinh điển. Ðiều đó khó lòng có thể xảy ra, vì các bài kinh (ít nhất là theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông) được truyền lại cho đến ngày nay qua một nhóm rất đông các vị tăng ni, chứ không phải do một vài cá nhân nào cả. Như vậy họ có thể kiểm tra lẫn nhau về các sai sót, nếu có. Không một có nhân nào có thể thay đổi điều gì nếu không có sự đồng ý của những người khác. Trong khoảng 500 năm, sự tinh tuyền trong các bộ kinh được duy trì qua truyền thống truyền khẩu do một nhóm rất đông các vị tăng ni tụng đọc. Cuối cùng, khi kinh tạng được ghi chép vào đầu thế kỷ Tây lịch vì các cuộc nội chiến, các vị tăng với lòng thành tín và quý kính Ðức Phật chắc chắn đã phải cố gắng hết sức để bảo đảm được tính chính xác.

Giả sử rằng, mặc dù tất cả những sự kiện đó là như vậy, vẫn có vài người đã cố tình sửa đổi các bài kinh, thì điều đó hoàn toàn không thể xảy ra được vì "không" hề có "một mảy may" dấu vết nào trong Tam tạng kinh điển dầy cộm như thế (gồm các tạng Luật, tạng Kinh, và tạng Vi Diệu Pháp) đã gợi ý cho thấy là Ðức Phật đã khuyên chúng ta nên "ăn chay". Và như vậy, bạn nên xét lại quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay.

Ngay cả những điều vừa nêu trên vẫn chưa thuyết phục được bạn, thì bạn hãy tự hỏi chính mình điều này xem sao, "Tại sao tôi lại cho rằng người ăn chay là có được một tâm linh cao thượng gì đó?" Bạn có thể nói là, "Nếu tôi ăn thịt, tôi có thể gián tiếp ủng hộ sự sát hại các thú vật"; hoặc giả, "Nếu tôi ăn thịt, tôi có thể gián tiếp trở thành kẻ chém giết," hoặc hơn thế nữa, "Nếu tôi là người 'ăn chay trường', có nghĩa là có ít thú vật hơn sẽ bị giết hại."

Tôi phải công nhận mối quan tâm của bạn thật đáng khâm phục. Nhưng chúng ta hãy xem xét thêm về điều này để có được một tầm nhìn tốt hơn. Bạn hãy cố gắng tự hỏi mình xem: "Những thứ rau đậu bạn sử dụng ở đâu mà ra?" Bạn có thể trả lời ngay, "Từ các nông trại". Ðể sửa soạn trồng tỉa, đất cát cần phải được cầy sới lên, có phải không? Và khi cây cỏ mọc lên, chắc hẳn thuốc trừ sâu cũng được sử dụng để xịt cho cây cỏ, có phải không? Làm như vậy chẳng phải là đã giết hại biết bao nhiều sinh vật, cho dù chúng có thể rất nhỏ, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng không phải chịu đau khổ?

Một số người vẫn có thể biện minh cho là chúng ta có thể có được rau đậu từ các nông trại trồng rau trong nước (hydroponic farms). Thật là một biện luận tuyệt vời. Tôi phải công nhận như vậy. Nhưng chúng ta hãy xem xét kỹ hơn, để có một tầm nhìn tốt hơn. Những nông trại kiểu đó cần sử dụng rất nhiều nước - vì để nuôi dưỡng các loại rai cải, vì việc cần giữ vệ sinh cho chỗ trồng tỉa, và dùng nước vào nhiều thứ khác nữa. Phải chăng việc sử dụng nước như vậy chẳng giết hại biết bao nhiêu sinh vật là gì, cho dù chúng có thể rất nhỏ bé, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng chúng không phải chịu đau khổ?

Và chúng ta hãy xem xét nhưng chiếc hộp và đường ống nhựa mà công việc trồng trọt phải lệ thuộc rất nhiều vào đó, và cả những nguyên vật liệu để dựng lên các nhà kính. Các vật liệu đó cần được chế tạo. Và như vậy một cách gián tiếp các xưởng máy cũng rất cần thiết. Như vậy, một số đất đai cũng phải bị giải tỏa, khai quang để dọn mặt bằng. Làm như vậy chẳng phải là đã giết hại biết bao nhiều sinh vật, cho dù chúng có thể rất nhỏ, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng không phải chịu đau khổ?

Máy móc và các trang thiết bị được sử dụng trong nhà máy cũng cần phải được chế tạo. Và như vậy gián tiếp nhiều nhà máy khác cũng phải được dựng lên và nhiều đất hơn nữa cũng phải được giải phóng mặt bằng. Làm như vậy chẳng phải là đã giết hại biết bao nhiều sinh vật, cho dù chúng có thể rất nhỏ, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng không phải chịu đau khổ?

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn nữa về việc cung cấp điện, nước, các dịch vụ viễn thông và các cơ sở hạ tầng khác. Chỉ cần xem xét những gì cần phải được thi hành để cung cấp những hoạt động đó thôi. Làm như vậy chẳng phải là đã giết hại biết bao nhiều sinh vật, cho dù chúng có thể rất nhỏ, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng không phải chịu đau khổ?

Và hãy xem xét sự vận chuyển tất cả những nguyên vật liệu đó đến chỗ này chỗ kia để thiết lập những nhà máy đó, các kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ cho các nhà máy đó. Ðể các nguyên vật liệu được cung cấp cho các nhà máy, để cho các hộp trồng rau, ống nhựa và các nguyên vật liệu dùng để dựng lên các nhà kính đó, thiết lập các nông trại "trồng rau trong nước", và tất cả những thứ đó cũng phải được vận chuyển đến các nông trại để có thể thực hiện công tác "trồng rau quả trong nước", và cuối cùng để bạn có thể đến mua và ăn chúng. Làm như vậy chẳng phải là đã giết hại biết bao nhiều sinh vật, cho dù chúng có thể rất nhỏ, và hình như không nghĩa lý gì đối với con người chúng ta, có phải không? Chả lẽ chúng không phải chịu đau khổ?

Như thế, có thích đáng chăng nếu ta cho rằng, "Nếu tôi chỉ dùng toàn là rau quả, thì tôi cũng đã gián tiếp ủng hộ việc sát hại hàng loạt các sinh vật;" hoặc giả, "Nếu tôi không dùng thịt, tôi cũng đã gián tiếp trở thành một kẻ giết hại;" và hoặc giả "Nếu tôi không dùng thịt, điều đó không có nghĩa là số sinh vật bị giết hại sẽ ít hơn. Và trên thực tế, có lẽ chúng còn bị sát hại nhiều hơn nữa là đàng khác".

Tôi có thể tiếp tục như thế, nhưng tôi đoán chừng giờ đây thì bạn đã nắm bắt được một thông điệp. Và vì thế, rất có thể bạn sẽ muốn xét lại quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay. Chúng ta phải hiểu rằng: chúng ta đang sống trong "cõi Ta-bà" và cõi nầy gọi là "Ta-bà" không phải là không có lý do. Trên trần gian này, sự đau khổ lúc nào cũng có mặt. Ðó là điều Ðức Phật đã công bố. Căn nguyên của sự đau khổ chính Ðức Phật cũng đã công bố. Ngài cũng công bố về sự kết thúc đau khổ, cũng như con đường đưa đến tận diệt đau khổ.

Sau khi đã đưa ra những luận cứ hợp lý như vậy, một số người "vẫn" nhấn mạnh thêm là kiêng ăn thịt có thể làm giảm lòng ham muốn (tanha) của chúng ta, và như vậy có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay. Tôi xin hỏi lại: "Ai nói thịt ngon hơn rau?" Bạn đã từng nếm thử thịt mà không cần thêm một số gia vị nào chưa? Một củ cà-rốt sống còn ngon hơn rất nhiều. Chính tôi dễ dàng thèm ăn sô-cô-la hơn là thèm ăn thịt. Tôi có thể nói trái Sầu riêng còn ngon hơn thịt biết bao nhiêu lần. Thế nên cho là kiêng ăn thịt có thể giảm thiểu thèm muốn là không thích hợp mấy. Bên cạnh đó, có ác cảm với một sự vật "trung hòa", như thịt chẳng hạn, xem ra không cần thiết mà còn có thể gây cản trở cho sự phát triển tâm linh của chúng ta nữa. Và như vậy, bạn nên xét lại quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay.

Hãy xét đến điều Ðức Phật đã dạy: "Tác ý (cetana) chính là nghiệp (kamma)". Khi chúng ta ăn thịt chúng ta đâu có suy nghĩ là: "Ôi, chớ gì họ giết thêm nhiều thú vật nữa đi, để tôi có nhiều thịt hơn mà sử dụng. Không hề gì nếu như một số sinh vật phải chịu đau khổ hay bị giết." Khi chúng ta ăn rau, quả và các thực phẩm không phải là thịt, chúng ta đâu có nghĩ: "Ôi, chớ gì họ trồng thêm nhiều hơn các loại thực phẩm như vậy. Không hề gì nếu như một số sinh vật phải chịu đau khổ hay bị giết." Khi chúng ta ăn, ý định của chúng ta chỉ là ăn, thế thôi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hành thêm nhiều điều sau đây:

- Chúng ta nên ăn uống có điều độ. Ðừng bao giờ ham muốn nhiều hơn những gì ta thực sự cần đến. Ðó chính là điều Ðức Phật khuyên chúng ta, và có một sự cao thượng trong tâm linh về điều này, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện không ăn thịt.

- Bạn có thể chọn chỉ dùng bữa "đúng giờ mà thôi" (từ sáng đến trưa). Ðây cũng là điều cần được khuyến khích cho cả hàng cư sĩ trong một vài ngày nào đó trong tháng. Ðó chính là điều Ðức Phật khuyên chúng ta, và có một sự cao thượng trong tâm linh về đi?u này, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện không ăn thịt.

- Khi chúng ta ăn, chúng ta nên ăn với chánh niệm, nhai với chánh niệm, nếm với chánh niệm, và nuốt với chánh niệm. Làm như thế sẽ giúp ta ăn mà không thèm khát, đồng thời tăng cường năng lực chánh niệm của ta. Ðó chính là điều Ðức Phật khuyên chúng ta, và có một sự cao thượng trong tâm linh về điều này, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện không ăn thịt.

Nếu bạn chọn "ăn chay trường", cũng tốt thôi, và bạn hãy tiếp tục như thế. Hãy kiểm tra lại với những người "ăn chay trường" có nhiều hiểu biết, để có được một sự cân bằng trong các khẩu phần chay. Bạn cần bảo đảm thức ăn đó có đủ chất đạm, vitamin B-12, và chất kẽm.

Nhưng vì lợi ích của chính bạn, xin đừng bám thủ vào quan điểm cho rằng có được một tâm linh cao thượng gì đó khi là một người ăn chay. Lại nữa, chắc hẳn là không khôn ngoan chút nào khi chúng ta nghĩ là chúng ta sẽ trổi vượt hơn người khác do việc chúng ta lựa chọn thứ thực phẩm để ăn. Hãy tự kiểm lại phản ứng trong tâm mình mỗi khi bạn thấy người khác ăn thịt. Thêm vào đó, thật là một điều hoàn toàn không thích hợp chút nào nếu ta áp đặt quan điểm sai lệch như vậy lên người khác.

Bài viết này nhằm cung cấp thông tin, chứ không hề nhằm phê phán hoặc xúc phạm đến bất kỳ ai. Mong rằng nó sẽ được đọc với một thái độ đúng đắn.

Nguyên tác: "Is there something spiritually wholesome about being a vegetarian?",
Samanera Kumara (1999). Tỳ kheo Thiện Minh dịch.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-04-2002