BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
ÁNH ĐẠO VÀNG
VÕ ĐÌNH CƯỜNG
-4- Đuờng trong thành Ca-tỳ-la-vệ đã đuợc quét chùi bóng loáng. Cờ phất phới bay trên những cành cây cao. Tường phố đều tô vôi lại như mới. Những đóa hoa trong chậu cảnh đều xoay mặt ra phía đường. Khói hương trầm bay nghi ngút trong những hương án thờ Nhật thần và các vị thần khác, dựng lên ở các ngã ba, ngã tư. Từng đoàn lính nhà vua, hôm trướe đã đi khắp các đường dõng dạc rao: "Ngày mai Thái tử Tất-đạt-đa được lệnh đi thăm thành phố. Hoàng thượng truyền rao cho các phố xá phải trang hoàng đẹp đẽ để tiếp Thái tử. Không aỉ được để lộ cảnh tượng xấu xa hay buồn thảm. Những người già ốm hay tật nguyền không được lảng vảng ngoài đường. Các lễ hoả táng phải hoãn sang ngày khác. Ai không tuân lệnh sẽ bị trừng phạt nặng". Nên thành Ca-tỳ-la-vệ hôm ấy được trang hoàng như ngày đại hội. Thái tử từ trong thành ra, ngồi trên một cỗ xe, có hai con bò trắng như tuyết kéo. Một nỗi hân hoan lan tràn trên các đường phố và Thái tử sung sướng nhìn đám dân vui vẻ trong những bộ quần áo sặc sỡ đang quấn quýt quanh xe. Ngài cười mãi, hai mắt vui như hai vành trăng thượng tuần, chứa đầy một niềm âu yếm trướe cảnh tượng hoan lạc của đám bình dân, và đám bình dân kéo nhau theo sau xe Ngài như một dòng nước chảy, vừa tung lên mình Ngài những đoá hoa rực rỡ, vừa hoan hô: "Thiên xuân Thái tử! Thiên xuân Thái tử!" Ngài quay mặt về phía tên đánh xe: -- Ồ! Ðời bình yên quá, Xa-nặc ơi! Ta không ngờ đám thường dân ở dưới quyền thống trị của phụ hoàng cũng được hưởng hạnh phúc chẳng kém gì ta. Chỉ nhìn vẻ sung sướng của bao nhiêu người ấy, ta cũng thấy tràn vào lòng ta bao hạnh phúc rồi. Ồ dễ thương quá! Ðứa trẻ đang bặm môi tung hoa vào xe ta đó? Ngươi hãy bảo nó lên ngồi với ta đi. Chao ôi! Sung sướng quá, ngươi hãy cho xe đi xa nữa đi. Cỗ xe khoan thai tiến tới, hai bánh ngập một nửa dưới đường đầy hoa. Ðến một quãng đường cong, bỗng từ trong chòi tranh lảo đảo bước ra một ông già nương mình còng trên chiếc gậy ngắn. Tóc ông ta bạc như vôi và bờm xờm như ổ quạ làn da nâu nhăn nhíu giống hạt cau khô; đôi mắt sâu và đục ngầu tượng trưng cho hai vũng nước đọng. Tất cả mình ông chỉ là một bộ xương người biết cử động, dán ở ngoài một lớp da nhăn. Trước những tiếng nạt nộ và xua đuổi của quân hầu, bộ xương ấy lập cập vấp ngã ra giữa đuờng. Quân hầu hối hả chạy lại, kéo lão ra một bên. Nhưng Thái tử truyền giữ lại: -- Xa-nặc! Cái gì đấy? Có phải một người không? Sao ta trông không giống chút nào với những người đang ở xung quanh ta thế? -- Thưa Thái tử, đây là một người già. Lúc mới sinh, ông ta cũng như mọi người khác, nhưng vì thời gian mỗi ngày một tàn phá mà sanh ra như thế! Ðấy là một việc thường, có gì lạ đâu mà Thái tử phải để tâm đ?n? -- Người bảo là một chuyện thường? Thế thì ta, Da-du và mọi người sẽ thành như thế cả sao? -- Thưa, rồi sẽ như thế cả, nếu sống lâu. Thái tử nhìn trân trân vào mặt Xa-nặc một hồi, như để nhớ lại một điều gì, rồi bảo quay liền xe về cung. * * * Từ chiều ấy trở đi, Ngài không vui nữa. Những món ăn như có tro lẫn vào, Ngài không làm sao nuốt qua khỏi cổ; những tiếng đàn như hoà theo với tiếng khóc than; và vẻ uể oải không biết tự lúc nào đã len vào trong những dáng điệu của đoàn vũ nữ. Nàng Da-du rướm nước mắt, quỳ xuống bên chân Ngài, van vỉ: -- Hôm nay đi chơi về, sao Ngài lại buồn quá thế? Chuyện gì đã làm phật ý Ngài chăng? Nhưng dầu có chuyện gì xảy đến đi nữa, thì ái tình của đôi ta cũng đủ đem hạnh phúe lại cho chúng ta rồi, can chi mà Thái tử buồn lắm thế? -- Em ơi? Cái hạnh phúc ấy không vĩnh viễn. Ta nghĩ đến một ngày chúng ta sẽ già yếu và xấu xa; thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mất trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em sẽ úa màu! Và hai bàn tay đẹp đẽ thế này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người. Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, tiếng rần rộ của những cỗ xe đang theo nhau chở những của báu ấy đi dần! Ôi tức tối! Thế mà chỉ đứng nhìn sự tàn phá ấy, không thể cản ngăn!. Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bất một làn hương! Em ơi! Chúng ta đang ngồi yên trong ánh sáng, mà ta nghe như đang xê xích mãi về trong bóng tối! Chúng ta thật có xê dịch vào trong bóng tối không? Hay chính bóng tối đang xê dịch về phía chúng ta đấy, em nhỉ? Nhưng tìm hiểu mà làm chi? Ðiều chắc chấn là chúng ta sẽ xa ánh sáng hạnh phúc, xa những của báu trong chính chúng ta, mà xưa kia, ta đã tưởng sẽ bất di bất dịch ở với chúng ta cho đến ngày tận thế! Ðêm ấy, Thái tử trằn trọc mãi, không ngủ đuợc. Và cũng đêm ấy, trong giấc ngủ say, Tịnh-phạn vương mơ thấy bảy điềm mộng dữ, báo trước rằng Thái tử sắp xuất gia. Ngài lo sợ lắm, lại tuyển thêm vũ nữ, ca nhi để làm khuây lòng Thái tử và để giữ Ngài lại trong "Cung Vui". Nhưng bao nhiêu cố gắng eủa bọn cung phi, mỹ nữ đều vô hiệu. Thái tử không thể vui lên! Tâm trí của Ngài mỗi ngày mỗi bị một sức mạnh gì lôi kéo ra ngoài đường phố. Ngài đoán chắc ở đấy còn có nhiều sự bí ẩn khác mà Ngài chưa thấu rõ đấy thôi. Một hôm, Ngài đến triều, xin với vua cha: -- Tâu phụ hoàng, lần trước phụ hoàng vì muốn làm vui lòng con mà truyền cho dân gian che giấu những cảnh tượng xấu xa, đau đớn và chỉ truyền bày toàn những cảnh tượng vui tai, vui mắt trong các phố phường. Cái ân huệ ấy, thật con không biết lấy gì đền đáp cho vừa. Nhưng con tưởng đây không phải là đời sống thật hàng ngày. Vậy dám xin phụ hoàng mở lượng hải hà, cho con được chung đụng với cuộc đời của đám thường dân, thấy tường tận những cách sống và làm việc của họ, để con biết được một đôi phần kinh nghiệm. Tịnh-phạn vương ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi truyền cho con ngài được như nguyện. Ngài tự bảo: "Con ta đã xúc động nhiều trước cảnh khổ, vì mới thấy một lần đầu, nhưng lần này, có lẽ nó sẽ quen với nhiều cảnh khổ khác mà không xúc động mạnh như lần trước nữa chăng? Mà phải, ta cũng nên để cho con ta quen dần với những cảnh thực tế. Ừ, sáng suôt là những kẻ đứng ngoài. Sự chung đụng sẽ làm lờn xúc cảm". Ngày hôm sau, lúc giữa trưa, Thái tử và Xa-nặc đổi dạng thành hai người lái buôn đi bộ ra cửa thành. Hai người chen lẫn trong đám thường dân, thấy cảnh tượng vui cũng nhiều mà buồn cũng lắm: người bán hàng ngồi xếp bằng tròn giữa những thúng hàng bày la liệt ra tận đường cái; kẻ gánh kiệu vừa đi vừa hát; những cỗ xe bò kềnh càng chở đầy hàng hoá; từng đoàn thiếu phụ đội hay xách những vò nước múc ở giếng về; một đàn lạc đà cao nghều nghệu ngơ ngác đi giữa đám đông. Từng cụm người chen chúc quanh một người dụ rắn, kẻ đứng sau kê cằm lên vai người đứng trước, say sưa xem những con hổ mang đang phồng má theo nhịp tiếng kèn, hay bò quanh thân hình chủ nó. Thỉnh thoảng một đám người mang kèn trống đi qua, rồi đến một toán người, ngựa trang hoàng rực rỡ đi rước cô dâu về nhà chồng. Một vài thiếu phụ kính cẩn đội một khay hoa quả đến đền cầu thần cho chồng mình đi buôn xa mau về, hay cho mình sanh đuợc con trai. Trong các trường học, những cậu bé đ?u trọc ngồi quanh nửa vòng, hát những đoạn thơ lịch sử về các vị Thánh. Cái gì đối với Thái tử cũng lạ mắt, lạ tai, và chân Thái tử đưa Ngài đến bờ sông bao giờ Ngài không hay. Ngài định đứng ngắm cảnh tấp nập của thuyền bè đi qua. Nhưng gần bên gốc cây có tiếng ai rên rỉ: "Cứu tôi với, các người ơi! Ôi, ôi đau quá! Tôi chết ở đây thôi! A, tôi chết ở đây rồi!" Người ấy nằm sấp trên đất, hai tay bấu vào cỏ, đầu ngước lên trời, mình run cầm cập; miệng méo hẳn lại, hai mắt trắng như bạch lạp, hơi thở gấp gấp; từng giọt mồ hôi toát trên trán lạnh. Người khốn nạn cố bám vào một gốc cây để đứng dậy, nhưng vừa đứng chưa vững đã ngã xuống, rên rỉ: "Ai cứu giùm tôi, tôi chết rồi!" Thái tử liền chạy đến, đỡ người đau dậy, kê đầu ông ta vào đầu gối mình và lau mồ hôi chảy trên trán. Ngài vừa vuốt ve vừa hỏi: -- Người đau gì thế? Nói cho ta hay đi, sao lại rên siết mãi thế? Xa-nặc ơi. Người này vì sao mà rên la thảm thiết như thế? Có cách gì chữa được cho người ấy, hãy nói cho ta nghe. -- Thưa Thái tử, người ấy mắc phải chứng dịch hạch, không có cách gì chữa đuợc. -- Chắc là đau đớn lắm? -- Thưa Thái tử, chính thế. Chỉ nhìn những cử chỉ, nét mặt của người ấy cũng đủ biết ông ta đau đớn biết chừng nào! Nhưng xin Thái tử hãy để người ấy xuống, đừng ôm vào lòng như thế, bệnh sẽ truyền sang Ngài. -- Sang ta? -- Thái tử hỏi, vẻ ngạc nhiên. -- Thưa Thái tử, sang cả Ngài cũng như sang cả mọi người. Nhưng nào phải chỉ riêng một bệnh này. Còn bao nhiêu bệnh khác cũng nguy hiểm như thế cả, bệnh dịch tả, đậu mùa, ho lao, phong... ôi làm sao kể xiết được. Và nào có ai biết chúng sẽ nhập vào mình lúc nào! Chúng đi đến, lặng lẽ như một con rắn bò dưới cỏ, như một con hổ đứng rình trong bụi, nhưng khi nó phát ra thì nhanh như một tiếng sét. -- Thế thì người đời luôn luôn sống trong sợ hãi, lo âu? -- Thưa như thế đó, Thái tử ơi! Không có thể tự hào: "Tôi sống yên ổn và sung sướng hôm nay, và ngày mai, tôi cũng sung sướng và yên ổn như hôm nay". Bao nhiêu sự bất ngờ, đau đớn đang rình đón ở hai bên đường đời, người ta không bị lâm vào hoạn nạn này thì lâm vào hoạn nạn khác, cho đến một ngày kiệt quệ, không thể bước tới nữa, người ta buông xuôi tay, ngã lăn ra bên dường, nhắm mắt lại và nằm lẫn lộn với đất đai! Thưa Thái tử, đến chết là kết liễu một đ?i. -- Ðến chết là kết liễu một đời? Thái tử đang ngạc nhiên và băn khoăn vì câu nói ấy, thì phía trước Ngài, một đám tang đi qua. -- Thưa Thái tử, kia kìa, một cảnh chết đang đi qua! Ngài nhìn lên. Một đám người đang đi về phía bờ sông. Mở đ?u là một người bưng một lư trầm bằng đất; theo sau, năm sáu người, đầu cạo trọc, áo choàng lôi thôi, vừa đi vừa kể lể: "Hỡi Rama! Rama cao cả! Sao ngài không nghe tiếng cầu nguyện của chúng tôi! Hãy cầu nguyện giùm chúng tôi, các anh em ơi! Hãy cầu nguyện cho Rama nghe rõ!" Sau cùng, tám người khiêng một tấm tre đan buộc vào bốn đòn tre; người chết nằm ở trên, chân trở ra đàng trước, mắt nhắm lại, miệng hơi mở, má thóp vào, hai tay gác lên bụng lép. Đến bờ sông, mấy người khiêng quay đầu thây ma về phía trước và kêu to: "Rama! Rama!" rồi đặt lên một dàn củi đã dựng sẵn ở đấy. Một người cầm bó đuốc châm vào củi. Ngọn lửa lan dần, thập thò một lúc quanh giàn hoả, rồi thè những cái lửa đỏ liếm cùng thây ma, và một lúc, hùa nhau táp mạnh vào. Trong chốc lát, giàn hoả cháy rực lên, khói toả nghi ngút, mùi khét lan một vùng. -- Thưa Thái tử -- Xa-nặc nói và nói mãi như có ai xúi sử -- rồi cái thây ấy sẽ cháy ra tro xám, người ta sẽ rải cùng bốn phương. Và thế là xong một đời. Không ai có thể tránh khỏi cái luật chung ấy được. Người đang bị thiêu trên giàn hoả kia, trước kia cũng đã ăn uống, rượu chè, say sưa với cuộc đời xây dựng chung quanh mình những thành trì vật chất tưởng như là vững chắc lắm. Nhưng có gì đâu! Một cái nọc rắn, một cái xương cá, một viên ngói rơi, một bước sẩy chân, một làn gió độc cũng đủ cắt ngang mạch sống của một đời. Thế là thôi, không còn cảm giác nữa, mình nằm trơ ra đấy, làm mồi cho thần hoả hay những bữa tiệc dài cho côn trùng trong đất! Thưa Thái tử, chính bên chân Ngài, một người nữa vừa chết!" Thái tử nhìn xuống. Người bệnh đã tắt thở, thân hình co quắp bên cạnh gốc cây! Ngài ngước mắt lên trời, đôi hạt lệ thiêng rung rinh trong đôi mắt tràn đầy từ bi. Rồi Ngài cúi đầu xuống trong dáng điệu trầm tư để hội lại trong trí bao cảnh tượng xa xôi đã tản mác khắp nơi. Bên tai Ngài lại phảng phất những lời than của nhạc gió buổi chiều nào ở trong "Cung Vui". Bấy giờ, một tình thương thiết tha mãnh liệt trào dậy ở giữa lòng. Ngài dang hai tay lên như để ôm cả vũ trụ -- cử chỉ của người mẹ ôm vào lòng đứa con đau khổ -- mà dỗ dành: -- Hỡi thế giới khổ đau! Hỡi tất cả anh em quen và lạ đang giãy giụa trong lưới đau thương của cuộc đời! Ta đã thấy, đã cảm nghe rồi hơi thỡ thoi thóp của trần gian đang hấp hối. Ta đã nhận rõ bóng ảo huyền của lạc thú, sự mỉa mai của hạnh phúc, cái áo não của những nỗi lao khổ, nhọc nhằn! Thú vui chỉ mở đường cho đau khổ, trong hội ngộ đã sẵn mầm chia ly, trẻ trung đưa dần đến già yếu, sống đến chết, chết đến những cuộc sống vô định khác; và cứ như thế, từng hạt đau thương chạy vòng trên chuỗi hạt thương đau để đưa nhau về vô tận. Ðời chỉ có thế mà chính ta cũng đã say đắm với những khoái lạc huyển hoặc của bả đời. Ta đã tưởng đời là một dòng nước trong xanh reo chảy mãi giữa hai bờ hoa thấm. Nhưng nước chỉ trong xanh được trong chốc lát, bờ hoa hiện nhanh như một làn chớp, và đây, dòng sông kéo mình qua những đoạn bùn lầy để lăn nhào vào trong biển nhớp! Ta đã thấu rõ chân tướng của sự sống rồi. Ta sẽ đi tìm cho nhân loại một con đường giải thoát. Ta đã thấy nhiều rồi! Ði về thôi Xa-nặc. Hai thầy trò lặng lẽ đi về trong ánh sáng le lói của mặt trời hồng sắp tắt; bóng của hai người chập chờn bổ về phía trước, mỗi lúc một dài thêm. Khi Thái tử bước lên thềm gạch của "Cung Vui" thì bóng Ngài dài dằng dặc bổ nhào vào trong cung trước. Và từng dấu giày bám bụi của cuộc đời bên ngoài in lần đầu tiên trên những tấm đá hoa trắng. -ooOoo- -5- Đêm Ấn độ toả dần thanh khí nhẹ. Muôn vì sao lấp lánh kết thành ngàn chuỗi hạt kim cương. Trăng rằm đủng đỉnh ngự trên những chóp núi cao ở phía Tây; những dòng ánh sáng chảy lai láng giữa không gian: Gió lành lạnh từ những đỉnh núi tuyết ở Hy-mã-lạp-sơn thổi về, đem trộn lẫn hương của trăm thứ hoa rộn nở với những mùi thơm ngọt của những trái cây chín muồi. Âm thanh dìu dặt vang động từ những làn sóng rất xa ở sông Hằng. Trời đất dâng hương và nổi nhạc để đón tiếp đấng cao cả nào đây? Trong "Cung Vui" sau một bữa yến tiệc linh đình, mọi người đều yên ngủ. Thỉnh thoảng điểm rời rạc từng tiếng trống cầm canh. Ðiện của Thái tử Tất-đạt-đa phủ dưới một làn yên tịnh. Ánh trăng xuyên qua những tường đá chạm mặt võng chiếu vào phòng rộng mênh mông của bọn cung nga. Ðây là những vũ nữ tuyệt đẹp ở thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau một ngày nhảy múa, họ mệt mỏi đứng tựa đầu vào tường ngủ, còn giữ lại vẻ uyển chuyển của điệu múa, còn mang những vòng hoa trên trán, xiêm nghê trên mình để kịp nhảy múa lại, khi Thái tử bừng mắt dậy. Ðây là những ca cơ tài hoa nhất trong xứ: họ ngủ ngồi, trong tay còn nắm một cặp phách, một cánh quạt lông hay một đoá hoa thắm. Họ tựa đầu vào vai như những con chim nhỏ nghiêng đầu vào cánh ngủ để đợi mặt trời lên là hót lại. Ðây là những nữ nhạc công gục đầu xuống những cây đàn sáu dây, làn tóc đen nháy, chảy dài thành từng đường sóng trên lưng cong. Có nàng bỗng mỉm cười trong chiêm bao; có lẽ họ mơ thấy, vì một điệu đàn huyền diệu, làm mất được nét nhăn, mỗi ngày mỗi đậm, trên trán Thái tử. Ði sâu vào trong nữa là phòng ngủ của Thái tử và công chúa Da-du. Công chúa đang ngủ bên cạnh bỗng mở mắt hơ hãi nhìn tứ phía, rồi nhìn Thái tử. Nàng kéo tay Thái tử đặt trên làn môi nóng của nàng và những giọt nước mắt ấm se tròn trên gò má như một đôi đũa ngọc. -- Thái tử! Thái tử hãy tỉnh dậy cho em phân một đôi lời! Thái tử vờ giật mình thức dậy, vì thật ra Ngài có ngủ được đâu, Ngài cố lấy giọng rất dịu dàng để hỏi vợ: -- Em muốn nói gì thế, em yêu quý của ta ơi? Công chúa nghẹn ngào một hồi mới nói ra lời: -- Thái tử ơi! Bao nhiêu hy vọng của em rụng hết rồi! Em vừa thấy ba điềm chiêm bao chẳng lành cho đời em sau này. Thái tử ạ! Em vừa mộng thấy một con bò mình trắng sừng dài trông rất đẹp, đi qua đường. Nó mang trên trán một hòn kim cương lóng lánh như cả một vì sao. Nó khoan thai đi ra phía cửa thành, sau nó có những tiếng kêu thất thanh, bảo bắt nó lại: "Nếu các người để nó đi thì thành này còn chi là lừng lẫy nữa!" Nhưng nó vẫn đi , không ai cản lại được. Em chạy theo, khóc lóc, và lấy tay ôm ngang cổ nó, cố sức níu lại, miệng em hô quân đóng cửa thành. Nhưng con bò dịu dàng thoát cánh tay em rồi đi thẳng. Nàng Da-du nín lặng một hồi, lấy hơi, rồi lại kể tiếp: -- Trong giấc chiêm bao thứ hai, em thấy hiện lên giữa không tnmg bốn thiên thần mắt sáng như lưu ly, đi lần đến phía thành của chúng ta. Lúc lá cờ trên thành đang phất phới bỗng rơi xuống, và ở chỗ ấy nổi lên một lá cờ khác, có những đường chỉ bạc và những hạt ngọc sáng ngời. Vừng đông ửng đỏ, gió đông thổi dậy, lá cờ vỗ gió phất phới, uốn éo thành những gợn sóng chói loà. Rồi vô số hoa lạ, và ngọc, và vàng, và hổ phách, xà cừ, mã não rơi, rơi không biết tự nơi nào hay tự trời cao rơi xuống, như một trận mưa ngũ sắc. -- "Như thế" Thái tử nói "thì đẹp mắt lắm em nhỉ?" Nàng Da-du nhìn chồng, lắc đầu: -- Không, không đâu Thái tử ơi! Em sợ lắm vì em nghe những tiếng hãi hùng thét lên: "Giờ sắp đến! Giờ sắp đến!" Trong giấc mộng thứ ba, em thấy em nhìn về phía Thái từ nằm, nhưng ở đấy chỉ thấy một chiếc gối chưa nhàu và chiếc áo của Thái tử bỏ lại. Em nhìn lại mình em thì, ôi ghê rợn quá, chuỗi ngọc mà Thái từ thường dùng để thắt lưng, hoá thành một con rắn cắn vào lòng em! Và ở xa, em nghe tiếng con bò trắng rống, ở trên thành em nghe tiếng lá cờ đập gió, và ở nơi nào không biết, có tiếng kêu to: "Giờ tới rồi!" Những tiếng ấy làm em tỉnh dậy. Phải không Thái tử, những tiếng ấy là gì, nếu không phải là diềm báo em sắp chết, hay hơn nữa, điềm Thái tử sắp xa em? Ðừng xa em, tội nghiệp Thái tử nghe! Nàng nhìn Thái tử, đôi mắt lộ vẻ cầu khẩn thiết tha. Thái tử nhìn lại, một cái nhìn hiền dịu như trăng tà. -- Em đừng sầu khổ! Em sẽ được an ủi vì một tình yêu rộng lớn. Dù những chiêm bao ấy là cái bóng bổ tới trước của những sự sắp xảy ra, dù trời đất điên đảo, mọi vật đổi thay, dù sự gì có thể xảy đến cho chúng ta, em hãy tin chắc rằng: ta đã yêu em và còn yêu em mãi mãi. Em biết rằng ngày đêm ta đang tìm cách cứu thoát cho thế giới đau khổ này. Lòng thương của ta bao trùm cả vũ trụ, thì đối với em, người đã luôn luôn sống bên cạnh ta, đã săn sóc đến hạnh phúc ta, sao ta lại không mến chuộng được! Dù thân ta như chim đại bàng, bay đi viễn du khắp thiên hạ, tâm ta thường trở lại tổ cũ, quấn quýt lấy những người thân. Và sẽ an ủi cho em biết bao nhiêu, khi em nghĩ đến một ngày kia, nhờ lòng hy sinh của em, mà thế giới được sống trong cảnh tịnh lạc. Em hãy can đảm và quảng đại lên, để cùng ta gánh chung một phần đau khổ cho nhân loại. Em hãy hy sinh, nếu cần, ái tình nhỏ hẹp để được tình thương rộng lớn của vũ trụ biết ơn. Nếu một ngày kia vì tình thương nhân loại mà ta phải xuất gia, thì em hãy nhớ lại những lời căn dặn bây giờ, để tự an ủi trong những ngày trống lạnh, nghe em! Thôi em hãy ngủ đi! Công chúa nghe những lời êm dịu của Thái tử, thiêm thiếp nhắm mắt ngủ lại. Nhưng trong giấc ngủ, tim nàng còn thổn thức, mắt nàng còn ứa lệ, và bên tai nàng còn văng vẳng những tiếng kêu vội vã: "Giờ đã đến! Giờ đã đến rồi!" Thái tử trỗi dậy, đến tựa tay vào cửa sổ. Trên vòm trời cao muôn sao lấp lánh. Ngài nghe tiếng của đêm khuya giục giã: "Ðêm đến đã lâu rồi! Ngài hãy chọn một con đường trong hai con đường: danh vọng hay từ bi. Ngài muốn làm một vị Đại vương hay bỏ ngai vàng, dấn thân trong cát bụi?" -- Ta sẽ dấn thân trong cát bụi. Trong im lặng của đêm đen, ta đọc thấy phận ta viết bằng chữ bạc của trăng sao! Ta phải đi! Ta sẽ ruồng bỏ ngôi báu. Ta không muốn chinh phục đất cát bằng lưỡi kiếm nhọn. Ta không muốn làm một kẻ chinh chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến để lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm gớm ghê! Ta muốn để chân trinh bạch trên đường chông gai, lấy đất làm giường, lấy cỏ cây làm áo, kiếm hạt cơm bố thí để nuôi thân. Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng từ bi của ta chỉ muốn xoá bỏ những cảnh khổ của nhân loại. Ta phải hy sinh tất cả và phấn đấu cho đến ngày tìm ra được phương thuốc cứu khổ. Ta tin rằng phương thuôc ấy thế nào cũng eó, nhưng ta tìm chưa ra đấy thôi. Loài người khi mới sơ khai, chịu tối tăm rét mướt cho đến một ngày nào đó, họ đã tìm được ngọn lửa trong đá lạnh. Họ đã nghiến ngấu toàn thịt mãi cho đến ngày tìm được cây lúa, mọc lẫn lộn trong những cây cỏ khác. Họ ú ớ bập bẹ cho đến ngày tìm ra tiếng nói trong cổ họng. Những của quý ấy nằm sờ sờ trước mắt, nhưng nào phải tìm được dễ dàng đâu? Có cái gì quý báu mà không phải gia công tìm kiếm, không phải đem hết sức lực, trí não để chinh phục, và một tình thương mãnh liệt dẫn đường? Nay ta ra đi, bỏ hết những lạc thú ở cung điện, mang một tình thương rộng lớn, một thân thể cường tráng, chưa hề bị tật bệnh tàn phá, một trí tuệ minh mẫn chưa bị dục vọng làm lu mờ, ta tin chắc thế nào cũng tìm ra được ánh sáng, thấy rõ con đường chánh để đưa chúng sanh đi. Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hỡi cõi đời sầu khổ! Vì các người mà ta đành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc, gỡ cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ vương và xa lánh đứa con thơ đang nằm trong bụng mẹ. Hỡi phụ hoàng, hiền thê, bào nhi và xã tắc! Xin hãy gắng chịu sự chia ly này cho đến ngày tôi tìm ra Đạo. Ngài quỳ một chân, cúi đầu xuống, để trán trên giường. Công chúa đang thiêm thiếp ngủ. Trên dôi mi cong dài của nàng, còn đọng lại hai viên lệ ngọc. Ngài từ từ đứng dậy, cung kính di quanh giường ba vòng, hai tay chấp ngang ngực, miệng lẩm bẩm: "Từ đây không bao giờ ta còn nằm trên giường này nữa". Ba lần Ngài bước ra, ba lần Ngài trở lại. Nhưng lần sau cùng với vẻ cương quyết, Ngài phủ vạt áo lên đầu, vén rèm bước ra. Thái tử rón rén đi qua phòng các cung nữ, ảo não nhìn những bông hoa mỹ lệ ấy mà giấc ngủ đã làm tàn tạ đi nhiều. -- Hỡi đêm tối? Hãy đè trĩu mí mắt của những mỹ nữ ấy lại, hãy bít kín những làn môi kia, đừng để một giọt nước mắt bi cảm rơi xuống, một tiếng kêu gọi trung thành níu chân ta lại. Các người ơi? Ta sắp xa các người đây. Ta không thể ở lại trong cung điện này để chứng kiến những vẻ đẹp của các người mỗi ngày mỗi tàn phai mà ta không thể cứu vãn được. Chính những vẻ đẹp mong manh đã xúi giục ta một phần trong bước đi này. Ta không muốn các người sống cái đời như cỏ hoa, mới tươi tốt trong thời xuân đó, đã bị giày vò dưới nắng hạ, mưa đông, rồi không mấy chốc đã tàn tạ để đâm chồi thành một cây khác! Ta sẽ đi tìm cho các người một đời sống vĩnh viễn, một vẻ đẹp không phai tàn. Thôi ta chào các người, ta đi đây. Ngài bước ra ngoài trời. Sao bừng sáng hơn trước, nhấp nháy mau như để báo cho nhau một điềm lành. Bao nhiêu cành nhảy múa, gió reo hò trong cây và đến nâng tà áo Thái tử dậy. Hoa rộng nở, trầm lặng để hương bay... Trước sự tiếp đón của trời đất, Ngài mỉm cười đáp lại hai ngấn lệ tuôn dài: lệ chia biệt gia đình hoà với lệ đoàn viên cùng vũ trụ. Ngài đến chuồng ngựa, đánh thức tên giữ ngựa: -- Xa-nặc, hãy đem con ngựa Kiền-trắc ra cho ta! Tên giữ ngựa ngạc nhiên, dụi mắt hỏi: -- Ngài muốn đi đâu trong lúc tăm tối này? Ngài vỗ vào vai Xa-nặc: -- Người hãy nói nhỏ! Chính vì mọi vật đang lúc còn tăm tối ta mới ra đi. Ta đi để thoát cái ngục vàng này mà ta đang bị giam hãm. Ta đi tìm chân lý để cứu độ chúng sanh đây. -- Ngài bỏ ngôi báu này, bỏ nước nhà này mà Ngài sẽ làm chúa tể, để nắm cái bát của kẻ ăn xin? -- Phải! Ta muốn thế. Ta muốn đừng bịn rịn với tổ quốc nhỏ hẹp này để được yêu vũ trụ rộng lớn; ta muốn bỏ những kho báu bèo mây để đi tìm cho nhân loại những của quý vĩnh viễn. Ðem con Kiền-trấc ra đây. Xa-nặc quỳ xuống, chắp tay van xin: -- Xin Ngài hãy nghĩ đến sự đau khổ của hoàng thượng, nghĩ đến nỗi sầu thương của công chúa. Khi Ngài đi rồi, lấy ai bảo hộ những người thân của Ngài nữa? -- Người ạ. Ta không thể ở bên cạnh những người thân để hưởng thụ những lạc thú ích kỷ. Vì yêu phụ hoàng ta, yêu vợ con ta hơn những lạc thú của chính ta, nên ta ra đi để tìm một tình yêu vĩnh viễn cho cả mọi người. Thôi, người hãy đem con Kiền-trắc ra đây! Xa-nặc buồn bã đi vào chuồng, đem con Kiền-trắc ra, lấy yên cương buộc vào, phủ lên mình ngựa một tấm nhung vàng. Con ngựa thấy Thái tử thì mừng rỡ, hí lên. Ngài vỗ nhẹ vào gáy nó: -- Kiền-trắc ơi! Ta nhờ con chở ta đi trong một cuộc hành trình xa, xa lắm. Ðêm nay ta đi để tìm chánh đạo. Ta chưa biết rõ nó ở đâu nhưng ta sẽ không dừng bước, nếu ta chưa tìm ra được nó. Con hãy hăng háí can đảm lên! Không một trở lực nào ngăn cản nổi, dù đó là một ngàn lưỡi gươm sáng cản đường, hay đó là thành cao hố hiểm. Con phải phi như một luồng bão để giúp chủ con! Sau này nếu ta thảnh đạo, con sẽ dự một phần công đức. Ngài nhẹ nhàng nhảy lên mình ngựa. Xa-nặc nhảy theo ngồi sau lưng Ngài. Con ngựa trườn tới, rồi phi, phi... Những tia lửa sáng loè tung toé dưới bốn vó ngựa đập vào đá sỏi của con đường mờ... Sao mai đã lên quá nửa sào. Gió mai đã bắt đắu thổi lại. Mặt nước sông Anoma (A-nô-ma) rào rào dậy sóng. Thái tử gò mạnh dây cương nhảy xuống ngựa: con đường mòn tới đây là dứt nẻo. Ngàỉ trao cương ngựa cho Xa-nặc, từ biệt: Ta rất cám ơn người. Tình ta đối với người rất nặng và ta nhớ mãi cái ơn này. Ta nhờ ngươi dắt con Kiền-trắc về; và đây, tấm áo hoàng vương mà ta không cần đến nữa; đây, sợi dây lưng nạm ngọc, và nắm tóc mây mà ta đã cắt với lưỡi kiếm này, ta nhờ ngươi đem về dâng cho phụ hoàng và tâu với ngài hãy tạm quên ta cho đến ngày ta trở về, mười lần rực rỡ hơn bây giờ, nhờ ánh sáng của đạo ta tìm được. Xa-nặc một mực đòi xin theo. Nhưng Thái tử cương quyết chối từ. Biết không thể chuyển lay được Thái tử. Xa-nặc nặng nề trèo lên mình ngựa. Nhưng con ngựa dậm mãi hai chân trước, không chịu đi. Thái tử vỗ nhẹ vào gáy nó, bảo: -- Thôi, con hãy về! Con không thể dẫm chân lên những con đuờng mới khác mà chỉ một mình ta là có thể tìm được. Thôi con hãy về! Con ngựa chậm chạp bước đi. Xa-nặc quay lui nhìn Thái tử... Con đường mòn đến đây là dứt nẻo! Thái tử đứng nhìn theo. Trên đường về cung, từng lớp bụi mù quay lộn trong gió sớm! Hình ảnh Xa-nặc và con Kiền-trấc xa dần, xa dần, khi ẩn, khi hiện, rồi mất hẳn sau những đám bụi hồng kia. Con đường mòn đến đây là dứt nẻo! -ooOoo- -6- D ứt với quãng đời quá khứ, sau hình ảnh cuối cùng của Xa-nặc và Kiền-trắc, đức Thích-ca xây mặt về phía trước.Phía trước toàn một màu xanh đậm của nước và rừng! Cảnh tượng hùng vĩ ở đây làm rợn người yếu vía: Sông A-nô-ma (Anoma) trùng trùng dậy sóng. Ðiệp điệp bên kia bờ, từng dãy núi chồng dựng lên nhau. Hoang vu, hoang vu vây cùng mọi ngả. Chưa có một vết chân người để lại nơi đây! Từ nay muốn đến những chóp núi nhuộm vàng trong ánh nắng ban mai kia, đức Thích-ca chỉ có một cách, là tự vạch lấy con đường. Ðá ở đ?y có lẽ cứng lắm, dây hoang chằng chịt chắc nhiều và bao nhiêu gai góc nữa! Nhưng trước mắt Ngài, toàn một màu xanh đậm. Sắc màu ấy gây nguồn hy vọng, và tin ở sức mạnh của mình, Ngài mạnh bạo bước đi... Ngài đi đến dãy núi Ra-na-ghi-ri và xin nhập vào đoàn tu khổ hạnh. Ðây là những người xem thân thể là kẻ thù của linh hồn, xác thịt là con thú phải xiềng xích, phải hành hạ cho đến bao giờ tê dại không còn cảm giác nữa. Có người đưa một cánh tay lên trời, đêm và ngày luôn như thế cho đến lúc nào những khớp xương tay không còn cử động đư?c nữa, gầy và khô dần như một nhánh củi mục; có người nắm mãi bàn tay lại cho đến lúc nào móng tay mọc dài, xuyên qua lòng bàn tay đã thối nát; có người đánh mình với một cái roi da, hay lấy dùi sắt hơ lửa đâm vào ngực. Ở đây, một người nằm lẫn lộn giữa đống thây ma đã thối nát để tập cho mũi quen với những mùi dơ bẩn. Ðàng kia, một người ngồi nhai mãi những ngọn lá đắng để làm cho lưỡi không biết vị nữa. Một nơi khác vài người nằm trần dưới ngọn nắng nẻ đất, đếm mỗi ngày một ngàn hạt kê rồi bỏ dần vào mồm mỗi lúc mỗi hạt cho đến bao giờ chết khô vì nắng và đói. Ðức Thích-ca sống với họ ở đây, nhưng thấy những cách tu luyện ấy không có hiệu quả gì. Ngài hỏi: -- Ôi! Ðời đã đau đớn lắm rồi, sao các người còn cố làm thêm đau đớn nữa? Một người trả lời: -- Trong kinh có dạy, nếu một kẻ tu, hành hạ thân xác cho đến nỗi không còn biết đau đớn, khổ nhọc là gì nữa, thì tâm hồn người ấy thoát khỏi nhục thể mà lên cõi trời, như một làn khói bay cao lên mấy tầng mây xanh, khi củi đã cháy trong lò. Ðức Thích-ca nhìn lên trời, chỉ một đám mây đang bay: -- Làn mây nhẹ trôi trên trời kia, vẫn biết là ở tự những làn sóng rào rạt trong biển cả, nhưng nó phải nhỏ dần từng giọt xuống lại trần gian, chảy qua những kẻ đá, đường lầy, hiệp nhau lại làm thành suối, thành sông, rồi lại lao mình ra biển cả. Tương lai và hạnh phúc của các người, sau khi đã trải qua bao nhiêu khổ hạnh, biết có thoát khỏi cái luật xoay vần ấy chăng? Cái gì có lên thì phải xuống, đã đến thì phải đi. Sau khi đã mua được cõi trời với bao nhiêu xương máu trong chợ đau thương mà các người đã tạo lấy, tôi chắc rồi các người sẽ trở về với những đau thương, khi kỳ hạn ở cõi trời đã hết. Bởi thế tôi khuyên các người hãy bỏ những trò nguy hiểm ấy đi. Tâm hồn trong sáng và thanh cao phải cần có một thân thể trong sạch và cường tráng để nương tựa. Sao các người lại đánh đập, phá phách thân thể cho đến nỗi nó phải kiệt quệ, phải gục ngã giữa đoạn đường dài như một con ngựa bất kham quỵ dưới sức chở nặng khi chưa đến đích? Bấy giờ các nhà tu khổ hạnh bực tức, có lẽ vì thất vọng, kêu lên: Người ơi! Chúng tôi đã chọn con đường này, chúng tôi quyết đi cho đến đích. Nếu người biết con đường nào hơn, nói cho chúng tôi hay, nếu không, người hãy đi nơi khác mà tu luyện. Ðức Thích-ca cáo từ mọi người rồi ra di, lòng buồn rười rượi. Không phải buồn vì chán nản. Ngài buồn vì thấy người đời đã quá sợ đau đớn, đến nỗi phải tập cho quen với đau đớn, tham sống đến nỗi không dám sống, sợ chết đến nỗi tập cho quen với cái chết, cố gấp gấp đào huyệt cho đời mình để mau thoát cảnh địa ngục mà họ đã tạo ra. Ngài dừng chân lại trên sườn đồi, chống hai bàn tay lên đầu chiếc gậy tầm xích, đứng nhìn cảnh vật ở dưới chân Ngài mà than: -- Hỡi những bông hoa dại mọc ở ven sườn đồi! Các con được tắm ánh sáng và thở khí thanh, có bao giờ các con thấy phiền muộn đến nỗi muốn diệt mất những hương thơm, muốn ruồng bỏ những màu sắc tươi đẹp mà các con đang phô bày ra đấy? Hỡi những đám thuỳ dương kia! Các ngươi nhờ cái thuật chi mà đuợc bằng lòng sống giữa thiên nhiên hoà hiệp, được sung sướng vươn mình lên cao để vít gió Hy-mã-lạp-sơn và ngân nga trong lá rậm? Và các con nữa, hỡi đàn chim ơi! Cái thú nước mây dong ruổi mà thiên nhiên đã phú thác trên đôi cánh các con; cái hạnh phúc đuợc tung từng tràng nhạc trong nắng mai và gió sớm: những của quý giá ấy, có bao giờ vì lòng ham muốn một cái gì khác quý giá hơn mà các con đành ruồng bỏ? Có bao giờ các con thấy chán nản đến muốn không hót nữa, và cố hành hạ thân các con để mong sống cuộc đời tốt đẹp hơn thế? Nhưng người, các con ơi, người, anh cả của muôn loài, đã đem trí thông minh để gây thêm khổ và đã sớm đào huyệt để chôn sống đời mình! Đang khi do dự chưa biết đi về hướng nào, Ngài bỗng thấy dưới chân đồi, một đám bụi mù dấy lên. Trong ấy đang lúc nhúc một đàn cừu. Những kẻ chăn cừu chạy từ chỗ này sang chỗ khác để thúc giục chúng đi. Họ nắm đá ném vào những con đi chậm ở đằng sau. Một con cừu non đi bên cạnh mẹ bị trúng phải một hòn đá, què một chân. Nó đi chậm lắm. Nhưng cừu mẹ không thể đi theo, vì nó còn một con nhỏ khác đang chạy lạc ở phía trước. Theo con này thì bỏ con kia, cừu mẹ đành đứng nhìn lui và nhìn tới... Ðức Thích-ca chạy xuống đồi, bồng cừu con bị thương lên, vỗ về: -- Dù con về đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con cho đến đấy. Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu toàn cả chúng sanh, thì ít nữa ta cũng cứu được một mình con ra khỏi đau khổ ừ như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu hành kia để hành hạ thân mình và để cầu được giải thoát với những đấng thiên thần bất lực. Ngài bước mau đến phía trước, hỏi những kẻ chăn cừu: -- Các ngươi dắt đàn cừu này về đâu đấy? Một người trong bọn buồn bã trả lời: -- Vua Tần-bà-sa-la ở thành Vương Xá, bắt chúng tôi phải nạp một trăm con dê và một trăm con cừu để tối nay ngài làm lễ hy sinh cúng thần. Ðức Thích-ca nói giọng cương quyết: -- Vậy ta sẽ theo các người đến đấy. Và vẫn ôm vào lòng con cừu con, Ngài đi trong đám bụi hồng của đoàn thú dấy lên. Ðến một bờ sông kia, một người đàn bà mắt chưa ráo lệ, chắp hai tay, quỳ xuống bên chân Ngài: -- Thưa Ngài, hôm qua con đến bên Ngài cầu xin Ngài một phương thuốc để cứu đứa con trai nhỏ của con chết vì rắn cắn. Ngài vén khăn lúp mặt nó, dịu dàng nhìn, rồi đậy lại mà bảo: "Người hãy đi đến nơi nào chưa có một người cha, người mẹ, người con hay đứa nô lệ chết mà xin một nắm tro. Nếu người xin được thứ tro ấy thì mới có thể cứu con người được". Ðức Thích-ca hiền từ nhìn người đàn bà đau khổ và hỏi: -- Nhưng người có tìm ra đuợc thứ tro ấy không? Ôi, con ôm đứa con đã lạnh vào lòng, đi gõ cửa từng nhà một, từ thành thị cho đến thôn quê, để xin thứ tro ấy. Tro thì không thiếu gì, nhưng không có nhà nào là không có người hoặc mới chết, hoặc chết đã lâu ? Con mệt nhọc và chán nản đặt con bên cạnh bãi dâu, đi tìm Ngài để nhờ Ngài chỉ cho con một nhà nào con có thể tìm được thứ tro như Ngài đã dạy. Ðức Thích-ca đặt một tay trên vai người đàn bà như để trút cả một mềm thân mến xuống đấy và nói với giọng chua xót: Người ạ, không có được thứ tro ấy, vì chết là một luật chung của muôn loài. Hôm qua ta bảo người tìm thứ tro ấy là chỉ cốt để cho người nhận thấy rằng, đã làm người thì phải chịu sự tử biệt. Không thể vượt ra ngoài luật cay nghiệt ấy được trong lúc còn ở trong kiếp người. Người phải hiểu rõ như thế để kiên nhẫn, chịu đựng tai nạn kia. Hôm qua người tưởng chỉ có một mình người đau đớn, bây giờ người đã rõ rằng toàn cả nhân loại, chúng sinh đều chịu như thế cả. Cái đau đớn của người trong cái đau đớn của toàn thể, một giọt nước mắt trong biển nước mắt, âu cũng là một chuyện thường, người đừng nên than khóc thái quá. Vả, có kêu gào than khóc cho lắm đi nữa cũng vô ích, vì không thể đổi được cái luật thiên nhiên khắc nghiệt kia mà mọi người đều phải chịu. Thôi, người hãy đi chôn con người đi. Nếu ta có thể cứu được con người thì dầu có cần đến máu xương ta, ta cũng không từ. * * * Ngài cùng bọn chăn cừu đi tiếp đến thành Vương Xá. Quân gác thành thấy vẻ hiền hậu và phương phi của Ngài đều tránh ra hai bên cửa để Ngài vào. Xe ngựa đều dừng lại để Ngài đi trước. Trong các phố xá, người ta đổ xô ra hai bên đường, nhìn Ngài ôm con cừu đi qua. Họ thì thầm với nhau: "Không biết người thuộc về hạng nào mà phúc hậu và trang nghiêm lắm thế? Ồ, hai mắt dịu dàng và thông minh quá đỗi! Có lẽ đó là một vị thiên thần mới xuất hiện đâu đây". Ngài đi thẳng đến đền vua. Vua Tần-bà-sa-la đang đứng trước bàn thờ. Các nhà quyền quý Bà- la-môn choàng áo lễ trắng đứng hai bên. Họ vừa đọc kinh vừa kính cẩn mang những bình đựng nước hoa, mỡ và rượu so-ma đổ vào ngọn lửa đang reo cháy trên đống củi thơm. Quanh giàn hoả, chảy lừ đừ một dòng huyết đặc của đàn cừu bị chọc tiết. Trước bàn thờ, một con cừu đực bị trói nằm sấp trên chiếc ghế dài, đầu bị kéo ngược ra đàng sau lưng. Một người Bà-la-môn kê lưỡi dao nhọn và sáng vào cổ con vật mà khấn to: -- Hỡi các thần linh! Ðây là những dòng máu tinh khiết của đàn cừu vô tội. Xin các Ngài hãy sung sướng nhúng tay vào đấy mà rửa tội cho nhà vua. Xin các ngài hãy lấy mỡ của chúng mà đốt cho tiêu tan những lỗi lầm của cả nước. Từ đây xin các ngài đừng giận hờn mà gieo hoạ xuống nữa! Ðức Thích-ca vội đến bên cạnh nhà vua, tâu, giữa sự ngạc nhiên của mọi người: -- Xin bệ hạ đừng để cho người ấy giết con vật vô tội kia! Nói xong, Ngài xoay lại mở trói cho con cừu. Mọi người đều đứng yên không ai cản trở: Ngài có một vẻ gì khác phàm đã làm mọi người từ vua đến quan phải kính nể. Sau khi xin phép vua Tần-bà-sa-la, Ngài cao giọng giảng cho mọi người nghe: -- Ai cũng ham sống, thế mà ai cũng thích giết hại; ai cũng có thể giết hại một cách quá dễ dàng, thế mà không ai có thể tạo ra được sự sống. Ngài tiếp: -- Dù muôn loài có khác, sự Sống chỉ là một. Trong Thánh kinh có dạy, sau khi chết, có người sẽ đầu thai làm thú vật, có nhiều thú vật sẽ làm người. Người và vật vì thế mà vẫn cùng một dây liên lạc như anh em. Không thể lấy máu của thú vật để rửa tội cho người. Xin với thiên thần tha tội là một việc vô ích. Nếu các ngài ấy đều thiện, thì các ngài sẽ không thể tha thứ một việc làm ác như thế. Nếu các ngài ác, thì dầu có giết bao nhiêu thú vật đi nữa để cúng, các ngài cũng không hết ác được. Nhưng dầu thiện, dầu ác, các ngài cũng không tha tội cho ai được. Tội của người nào thì người ấy phải chịu. Đây là luật nhân quả, không ai có thể vượt qua. Càng giết hại nhiều lại càng mang lắm hoạ. Giảng đến đây, một cảnh tượng hoà thuận và đẹp đẽ hiện ra trước mắt. Ngài cất cao giọng và nói một cách say sưa: -- Ôi, thế giới này sẽ an vui biết bao và biết bao sầu thảm sẽ không có nữa, nếu nhân loại biết thương đến loài vật mà không nỡ tâm chém giết chúng để cúng và để ăn, nếu nhân loại chỉ tự nuôi sống với cỏ cây, hoa trái! Ngài nói với một giọng rất thiết tha và đầy thương cảm. Các thầy Bà-la-môn nghe xong đều cởi bỏ hết lễ phục mang trong mình với hai bàn tay chùi chưa sạch máu. Mấy trăm con cừu được thả ra, vui vẻ chạy rong trên các đường phố như vừa thoát khỏi địa ngục mà sự mê muội của loài người đã tạo ra. Vua Tần-bà-sa-la kính cẩn đến bên đức Thích-ca, chắp hai tay vái Ngài và mời Ngài về cung. Ngày hôm sau, vua sai khắc trong đá và chạm vào gỗ đạo dụ rằng: "Từ xưa đến nay chúng ta đã phạm một tội lớn là giết súc vật để cúng thần. Nhưng bắt đầu từ ngày nay, trong dân gian không ai được làm đổ máu một con vật, vì chúng sanh đều cùng chung một sự sống. Và nên luôn nhớ rằng những điều lành sẽ dành riêng cho những kẻ hiền lương". Sau khi rõ lai lịch đức Thích-ca, vua Tần-bà- sa-la liền mời Ngài ở lại: -- Ngài là một đấng vương giả, sanh ra để ngồi trên thiên hạ, chứ không phải sống để nhờ sự bố thí của mọi người. Ngài hãy ở đây với trẫm, đem sự hiểu biết của Ngài để giáo hoá cho dân gian; rồi đến khi nào hết đời trẫm, thì giang sơn này trẫm sẽ giao cho Ngài cai trị. Nhưng đức Thích-ca một mực chối từ: -- Tâu bệ hạ, tôi đã bỏ cha tôi, vợ tôi, con tôi và giang sơn, tổ quốc để đi tìm chân lý. Bệ hạ đừng cầm giữ tôi lại làm gì. Tôi không thể ngồi yên trên ngọc ngà châu báu, trong lúc tai tôi còn nghe những tiếng đau thương của nhân loại, lòng tôi còn cuộn lên những bào ảnh của cuộc đời. Xin bệ hạ để cho tôi đi. Bao giờ chân lý đã rạng ngời trước mắt tôi và sáng soi cùng thế giới, tôi lại xin trở lại đây để đền đáp ơn Ngài đã chiếu cố. Vua biết không thể cầm giữ được Ngài, liền đi quanh Ngài ba vòng và cúi đầu dưới chân Ngài từ biệt, sau khi đã chúc Ngài mau thành Chánh Giác. Từ đây, trên những con đường hiểm trơ và gai góc dọc theo Hy-mã-lạp-sơn, Ngài lại bước chân lên, mang theo bên mình một bình bát và một chiếc gậy. Và dưới những ngọn nắng cháy thịt, những trận mưa rách da của xứ Ấn Ðộ. Ngài chỉ biết đem một tình thương vô hạn, và một ý chí mạnh mẽ vô cùng để tự che chở. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn anh Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 13-05-2002