BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


SÁU CỬA VÀO ÐỘNG THIẾU THẤT

Bồ-đề Đạt-Ma
Trúc Thiên dịch, 1969


Mục Lục 

[00] Tựa: Trước khi vào Ðộng
[01] Cửa Thứ Nhất: Tâm Kinh Tụng
[02] Cửa Thứ Nhì: Phá Tướng Luận
[03] Cửa Thứ Ba: Nhị Chủng Pháp
[04] Cửa Thứ Tư: An Tâm Pháp Môn Luận
[05] Cửa Thứ Năm: NGộ Tánh Luận
[06] Cửa Thứ Sáu: Huyết Mạch Luận

[07] Phụ Lục:

Tiểu Sử Bồ Ðể Ðạt Ma
Căn Bản Pháp của Thiền Ðạt Ma
Trương Thiếu Tề Giảng Thoại
Bạt: Huyền Thoại Bồ Ðề Ðạt Ma

-ooOoo-

"Hoa lưu động khẩu ưng trường tại"

TRƯỚC KHI VÀO CỬA ÐỘNG 
(Thay lời tựa)

SÁU CỬA VÀO ÐỘNG THIẾU THẤT là tên dịch một tác phẩm lớn của thiền Trung Hoa, gọi là Thiếu Thất Lục Môn. Lục môn là sáu cửa, sáu pháp môn - Sáu cửa vào đạo pháp vậy. Ðạo đây là đạo Phật thiền. Trong các ngành Phật giáo, Thiền đứng riêng một chân trời cùng tuyệt, chủ trương chỉ thẳng vào nơi tánh, thấy thẳng nơi tự tâm để tức khắc thành Phật, khỏi phải khổ tu nhiều kiếp. Do đó, Thiền được gọi là tối thượng thừa, nghĩa là cỗ xe tối thượng đi thẳng vào nước Phật. Ai nương cỡi, ai "thừa" cỗ xe ấy tức thành Phật. Nói thế không có nghĩa là cỗ xe lớn nhất so với những cỗ xe khác, xe dê của Thanh văn, xe nai của Duyên giác, xe trâu của Bồ tát v.v... Trái lại tối thượng thừa đích thực là "không còn thừa nào để mà thừa", nên nói suốt ngày "thừa" mà vẫn như chưa hề "thừa". Có thừa như thế mới gọi là Phật thừa - cỗ xe Phật. Mất hết điểm so sánh, Thiền mất luôn chỗ đứng giữa các hệ phái. Nói một cách khác, vì mất tất cả nên được lại tất cả. Thiền đương nhiên bao dung tất cả trong một sức chứa vô lượng vô biên: sức chứa của cái không. Nên Thiền, tức là Ðại Ðồng. Và tối thượng thừa tức là vô thừa. Kinh nói: "Lấy vô thừa làm Phật thừa" là nhằm hiển thị cái lý đại đồng ấy vậy.

* * *

Trong tinh thần ấy, sáu cửa vào động Thiền không còn là cửa theo như chúng ta thường quan niệm. Thật vậy, phàm nương vào cửa đạo, mượn phương tiện tìm chân lý, ắt dễ kẹt ở cửa, dễ chấp lầm phương tiện làm chân lý. Giữa người và chân lý có một màn ngăn, nên thiền ví mọi "cửa pháp" như chiếc giày mang ở chân: muốn gãi chỗ chân ngứa, hóa ra ta chỉ gãi trên chiếc giày. Muốn được đã ngứa, phải gãi thẳng vào da trần. Muốn thấy sự thật, phải tiếp nhận thẳng sự thật. Thiền Linh Sơn của đức Phật gọi thế là biệt truyền - truyền riêng. Thiền Thiếu Lâm của Ðạt Ma gọi thế là trực chỉ - trỏ thẳng. Và cửa vào đạo hóa ra cửa - không - cửa. Và pháp môn thiền hóa ra pháp - không - pháp. Chính cái pháp không pháp ấy, đức Phật đã mật truyền cho tôn giả Ca Diếp trong bài kệ phó chúc:

Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp, pháp diệt pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.

* * *

Vậy thực chất của sáu cửa là gì? Ðó là:
- Tâm kinh tụng: tụng về bộ Bát nhã Tâm kinh.
- Phá tướng luận: luận về phép phá tướng.
- Nhị chủng nhập: hai đường vào đạo.
- An tâm pháp môn: phép an tâm.
- Ngộ tánh luận: luận về phép thấy tánh thành Phật
- Huyết mạch luận: luận về mạch máu của đạo Phật.

Cửa thứ nhất mở vào tâm - mạch sống của đạo Thiền. Quả đúng như lời người xưa nói: "Thiền là tên gọi của tâm, tâm là bổn thể của Thiền". Tâm đây là tâm của tông Bát nhã. Tông Bát nhã là "không tông", tông phái của cái "không". Cái không Bát nhã siêu việt và viên dung cả "hữu" và "vô", của trí thức suy luận để hiện thực ở trung đạo không nghĩ bàn được. Ðó là cảnh giới tuyệt đối, không mảy tướng mạo, nên để vào đó, hành giả đừng mong bám víu vào bất cứ gì, dù là một ý thoáng:

Tịch diệt thể vô đắc
Chân không tuyệt thủ phan.
(Thể Niết bàn không chứng đắc
Chân không chặt đứt tay leo)

Cửa thứ hai là cửa phá tướng: phá tất cả những gì do khối óc và bàn tay con người tạo ra để biểu thị chân lý, nhưng đồng thời cũng chôn vùi luôn chân lý dưới khối phù hiệu, công thức, nghi thức. Kinh nói: "Lìa hết tướng tức là Phật". Mà Phật tức là tâm. Nên phá tướng tức trả tâm về cho bổn thể nguyên thủy. Tự nơi bổn thể ấy "tự nhiên hằng sa công đức, thảy thảy trang nghiêm; vô số pháp môn, mỗi mỗi thành tựu; vượt phàm chứng thánh, mắt thấy chẳng xao, chốc lát ngộ liền, há cần nhọc sức".

Cửa thứ ba là nhị chủng nhập. Chỉ riêng về phép "Báo oán hạnh" chẳng hạn, Thiền dạy rằng khi gặp khổ cứ vui chịu, đừng than trời trách người. Mắc nợ thì trả nợ, đó là lẽ công, cần sòng phẳng. Sòng phẳng mà không oán trách, đó là hành đạo trên "Sự". Hành sự mà lòng không loạn động, đó là tựu "Lý". Trên hiện tại lý với sự chẳng khác nhau, nên khổ mà không oán trách, đó là giải thoát: giải thoát ở hiện tại, bằng những hành động thích ứng với hiện tại. Chỉ có hiện tại là thực, cần tác động vào đó, ngoài ra quá khứ và tương lai đều là vọng tưởng.

Cửa thứ tư là phép an tâm. Sách chép khi Huệ Khả đến viếng Ðạt Ma có bạch rằng: - Tâm con không an. Thỉnh Hòa thượng cho con được an tâm. Ðạt Ma bảo: - Ngươi đưa tâm đây thầy an cho. - Con tìm mãi mà không thấy tâm đâu cả. Ðạt Ma kết luận: - Vậy là tâm nhà ngươi đã an rồi đó. Câu chuyện biểu thị căn bệnh lo âu truyền kiếp của hầu hết chúng ta, một thứ angoisse existentielle thúc dục chúng ta chạy khắp phương trời, khắp kim cổ, tìm đường giải thoát. Chính cuộc chạy lăng xăng ấy, ta tạm gọi là cầu đạo, tìm chân lý. Nếu bất thần ta dừng lại như Huệ Khả ắt toàn thể trời đất và nhân sanh bỗng dưng thức tỉnh trên một thực tại phi thường; thức tỉnh trên tâm: ta không có tâm (hoặc bản ngã) nào khác hơn là ý nghĩ; thức tỉnh trên bệnh bất an: ta không có bệnh nào khác hơn là mặc cảm; thức tỉnh trên thời gian: ta không có thời gian nào khác hơn là hiện sanh. Ðó là ý nghĩa của bài kệ chứng đạo sau đây của Huệ Khả:

Ba thuở cầu tâm, tâm chẳng có,
Tấc lòng kiếm vọng, vọng hoàn không.
Vọng nguyên không xứ tức Bồ đề,
Ðó mới gọi là chơn đắc đạo.

Cửa thứ năm là ngộ tánh luận, chỉ thẳng phép thấy tánh thành Phật, tự thành Phật, tự ý thức cốt Phật bổn lai của chúng ta bị vùi sâu từ vô lượng kiếp dưới lớp chiêm bao, nói đúng hơn, dưới từng lớp mặc cảm làm điên đảo cuộc sống: mặc cảm tự ti, phạm tội, sa đọa vĩnh viễn, tội tổ tông v.v... Bung ra khỏi khối chiêm bao, nhô lên khỏi vũng mặc cảm thì là gì? Là thức tỉnh trên cái hiện tiền: đương xứ tức chân. "Phàm phu đang sống sợ chết, vừa no lo đói, mê hoặc làm sao! Còn những người đích thực là người - những bậc chí nhân - chẳng tính việc trước, chẳng lo việc sau, chẳng náo động ở hiện tại nên không lúc nào chẳng thuận đạo".

Cửa thứ sáu là huyết mạch luận. Phật ở đây được trả về cho thế giới đại đồng như một sức mạnh thuần túy của cuộc sống, một trái tim của vũ trụ, một nguồn sống bất sanh bất diệt, thấm nhuần tất cả, cả đến cỏ cây vô tri. Phật là người không là gì hết.

Phật thị nhàn nhân,
Phật bất thị Phật,
Mạc tác Phật giải.

Phật là toàn thể, không thể chia chẻ. Nếu làm Phật giải Phật, tức chia chẻ Phật, ắt mắc bệnh phân tâm - và mất luôn thiên đường. Bằng hòa đồng với nguyên khối thì tánh tức là tướng, bổn thể tức là hiện tượng, tâm tức là động, động tức là dụng v.v... Nói tóm lại, không gì chẳng là đạo, không gì chẳng là Phật. Tất cả đều rỗng rang, đều tự tại, đều không phàm thánh gì hết; "quách nhiên vô thánh". Ðó mới thực là trang nghiêm nước Phật.

* * *

Sáu cửa là vậy, cửa - không - cửa. Còn Thiếu Thất là tên một núi nằm trong dãy Tung Nhạc, thuộc tỉnh Hà Nam, huyện Ðăng Phong. Dãy Tung Nhạc có ba mươi sáu ngọn núi, phía đông gọi là Ðại Thất (nhà lớn), phía tây gọi là Thiếu Thất hoặc Tiểu Thất (nhà nhỏ). Nhà đây là nhà đá, đá núi dựng thành nhà, xếp thành am động. Riêng núi Thiết Thất cao 860 trượng, thuở xưa vua Hậu Ngụy Hiếu Văn có dựng lên tại đây một ngôi chùa cho thiền sư Phật Ðà Thiên Trúc ở, gọi là chùa Thiếu Lâm. Chính tại ngôi chùa cổ này, vào khoảng năm 520, sư Bồ Ðề Ðạt Ma ngồi chín năm nhìn vách đá. Thiếu Thất cũng là tên riêng của sơ tổ Ðạt Ma. Vậy, sách Thiếu Thất lục môn là của Ðạt Ma. Ðúng: vì tác phẩm chứa toàn những giáo lý căn bản của Thiền Ðạt Ma, phù hợp với những tài liệu được ghi chép trong bộ Thiền sử Truyền Ðăng Lục. Mà cũng có thể không đúng: vì ta có nhiều lý do để ngờ rằng sách này do chư Sư mới soạn ra sau này, có lẽ vào khoảng cuối đời Ðường - và soạn ra nhân danh tổ Ðạt Ma. Tại sao có thể thế được? Tại sao người viết chịu tự mình khuất lấp đi sau tên người khác, trong khi chỉ một tác phẩm nói trên đủ đưa người viết lên tuyệt đỉnh vinh quang, ít nhất trên phương diện lập ngôn? Tại sao? Và tại sao? Xin dành những dấu hỏi trên cho các nhà học giả và khảo cổ. Ðối với người học đạo, sách có thể mang tên Ðạt Ma, Lâm Tế, Trần Thái Tông, hoặc ông, tôi, vô danh thị không hề gì: tất cả tên đều là tên giả. Tất cả cái tôi đều là tôi giả. Con người không là gì hết trong dòng biến chuyển của nhân duyên. Nhưng con người đi qua, và tác phẩm còn lại. Và những hoa kỳ cỏ lạ lưu lại mãi cho đời:

"Hoa lưu động khẩu ưng trường tại"

Những hoa cỏ ấy đều không tên. Chỉ cái không tên mới đứng ngoài không gian thời gian, mới "vạn đại cổ kim thường". Cái "thường" của Niết bàn tịch diệt, không ta không người. Cái "thường" của những ngọn bút nhập thần viết ra không vì mình, không vì người, không vì gì cả, mà chỉ vâng theo, chỉ "nhiệm vận", chỉ ứng dụng theo tâm không, tùy cảm theo nhịp sống đại đồng. Ðiều quan hệ đối với con người chúng ta là hiện tại trước mắt. Ở hiện tại, ta là người bị mũi tên độc ghim thẳng vào mạch sống. Ðừng hỏi tên ấy của ai, làm ra lúc nào, làm bằng chất gì, do đâu mà bắn ra v.v... Hỏi, tức là thụt lui về quá khứ. Không ai sửa được quá khứ. Mọi tác động phải tác động trên hiện tại. Trên hiện ta, có ta, mũi tên, chứng bịnh, và tất cả đòi hỏi một liều thuốc. Sách Thiếu Thất lục môn là liều thuốc ấy, rất công phạt cho những khối óc bị nhiễm độc. Kinh Hoa Nghiêm kể: Ngày kia, Bồ tát Văn Thù bảo Thiện Tài đi hái thuốc, dặn: "Cái gì không phải là thuốc, hái đem về đây". Thiện tài tìm khắp không được, bèn trở về bạch: "Không gì chẳng phải là thuốc cả". Văn Thù bảo: "Cái gì là thuốc, hái đem về đây". Thiện Tài hái đem về dâng lên Văn Thù. Văn Thù cầm mớ thuốc nói với đại chúng: "Thuốc này cũng có thể giết người, cũng có thể cứu sống người".

"Không gì chẳng là thuốc. (*)
Suốt thế giới toàn là bệnh. (**)
Suốt loài người toàn là bệnh.
Vì bệnh nên có thuốc.
Vì có thuốc nên có bệnh.
Thuốc trị bệnh.
Bệnh dùng thuốc".
"Dược bệnh tương trị",
thuốc và bệnh trị cho nhau.

Nếu không bệnh thì không thuốc,
Nếu không thuốc thì không bệnh.

Nếu không bệnh không thuốc thì không có gì cần nói giữa chúng ta. Cả độc thoại cũng không nốt. Giờ đây, sáu cửa động đã rộng mở, mời chúng ta bước vào. Nhưng thôi, khỏi cần vào sáu cửa. Ta chỉ vào bất cứ một cửa nào đó thôi, tùy theo duyên cảm. Sáu cửa đều trổ về một cửa. Một cửa bao hàm luôn sáu cửa. Nhưng vào, xin nhớ ra. Ðó là điều tối cần. Nếu ra không được thì cửa nào cũng là cửa tử. Còn ra được thì sao? Không biết. Xin để cho người biết - hòa thượng Phật Quả Viên Ngộ - lên tiếng nói: "Chư Phật chẳng từng xuất thế, củng không một pháp trao cho người. Tổ sư (Ðạt Ma) chẳng từng qua đây, cũng chưa hề lấy tâm truyền thọ. Bởi người đời nay không rõ nên mảng lo cầu ngoài. Sao không biết tự dưới gót chân mình chặt đứt hết đại sự nhân duyên, hiền thánh đừng dính níu? Chỉ nên như ta nay thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, nói mà chẳng nói, biết mà chẳng biết. Cầu gì mới được chứ?"

P.L. 2511
T.T.


GHI CHÚ:
(*) Vô bất thị dược.
(**) Vân Môn: Dược bệnh tương trị. Tận đại địa thị dược. Na cá như tự kỷ.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07

Source: Hoa Sen, http://www.thuvienhoasen.org 


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-09-2002