This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font

Tu Phật

Duyên Hạc Lê Thái Ất


Tu Phật là sửa mình theo Phật. Từ ngữ ngắn gọn này đã có nội dung rất rộng rãi và tinh tế, người phát tâm tu học theo Phật cần sáng tỏ để đường đi nước bước được nhẹ nhàng, nhanh chóng. Ðã nói tu, nói sửa mình là nhận rằng có điều xấu, có tội lỗi cần phải gột rửa để trở thành tốt hơn lên, không còn sai lầm phạm lỗi nữa. Phật là Toàn năng, Toàn giác, là Chân như , là Pháp thân vô tướng, tu Phật là dọn mình để thành Phật, để trở thành sáng suốt và từ bi, để hết khổ và độ sinh như chư Phật.

Tu Phật là một quá trình dài lâu, nhiều kiếp liên tục, quá trình tu học không hạn định trong khoảng thời gian được, lâu mau tùy thuộc từng căn cơ, duyên nghiệp của hành giả, tùy thuộc vào công phu tu tập hành trì. Tuy nhiên, quá trình tu Phật gồm có nhiều giai đoạn, từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Việc tu tập ở mỗi giai đoạn có ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau, mở lối cho nhau, kiên định lẫn nhau, không thể tách rời khỏi nhau được. Theo chứng nghiệm của hành giả, có thể chia thành những giai đoạn tu Phật như sau:

Lễ Phật là giai đoạn đầu tiên. Lễ Phật là thắp nhang, chắp tay, cúi đầu trước hình tượng của Phật, tại chùa hay tại nhà. Ðây mới là những động tác tay chân, động tác cơ thể của người lễ Phật. Ðộng tác tâm linh là người hành lễ chú tâm vào sự cung kính đức tính của Phật. Có động tác tâm linh mới có cảm ứng giữa người hành lễ với chư Phật, với đấng Như Lai. Sự cung kính này do ở sự khởi tín, cảm thấy tin Phật là Toàn giác, là Từ bi, là Toàn năng cứu độ chúng sinh đang mê đắm trong luân hồi khổ hải, trong đó có mình đang hành lễ cầu xin được giải thoát. Thiếu động tác tâm linh cung kính đức tính của Phật, người hành lễ không thể gọi là đang lễ Phật được. Ðó chỉ là người đang lễ cái tượng gỗ, tượng đất có tạc nặn nên hình Phật, lễ tờ giấy có in vẽ hình Phật. Phật không ở trong khúc gỗ, khối đất hay tờ giấy. Phật ở trong tâm chân thành cung kính của người hành lễ. Tượng gỗ, tượng đất hay hình vẽ trên giấy chỉ là biểu tượng Pháp thân vô tướng của Phật, tượng trưng cho đức tính của Phật mà người hành lễ đang nhiếp tâm cung kính. Những vật cụ thể này chỉ là phương tiện dẫn dắt đến cứu cánh hành lễ là đức tính của Phật. Có cung kính là có Phật, Phật hiện tiền ngay trước mặt người hành lễ ở bức tượng hay hình vẽ qua làn khói nhang. Phật sáng tỏ ngay trong tâm người nhiếp tâm kính lễ. Ðây là trường hợp người lễ Phật đã có công phu đáng kể trên đường tu học hay người có căn tu huân tập thâm hậu từ nhiều kiếp trước.

Lễ Phật thường để cầu xin Phật độ. Ở đây có hai điểm cần sáng tỏ: Cầu xin điều gì? Phật độ có phải là Phật thỏa mãn lời nguyện cầu của người hành lễ hay không? Câu trả lời thường nghe là lễ Phật cầu an. Hai chữ 'cầu an' thường được hiểu cạn hẹp, sai lạc là cầu được yên ổn, an ninh, cụ thể là cầu được ăn no ngủ yên, không ốm đau tật bệnh, gặp may mắn trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí có người buôn gian bán lận thành tâm lễ Phật cầu xin cho trúng mối, giao hàng trót lọt, không bị bắt bớ lôi thôi. Thực ra, cầu an là cầu sự an tâm, đừng bị ngũ dục lục trần làm xáo động, đừng để cho tham sân si nổi dậy khiến mình nghĩ bậy, nói bậy và làm bậy, cầu cho tâm được an tịnh để đừng gieo nhân ác, cho tâm sáng suốt để đi con đường chánh, lánh xa con đường tà. Phật độ là giúp cho mình qua nỗi khó khăn, chỉ cho mình hướng đi, giúp mình phương tiện như cấp cho thuyền bè để qua sông. Phật độ không có nghĩa là xin cái gì Phật cho cái ấy. Phật chỉ vẽ cho lối đi, cách làm, người lễ Phật phải tự đi, phải tự làm lấy. Không đi thì không đến, không làm thì không xong. Phật không cõng ai đến đích của họ, không làm hộ ai công việc của họ. Người lễ Phật đừng có cầu xin ở Phật cái mà Phật không giúp mình được, dù là cầu rất khẩn thiết chân thành. Tại sao? Tại người lễ Phật đã không sáng suốt trong việc cầu xin Phật độ, không phải tại Phật hẹp lượng từ bi mà không thương không giúp. Phật càng thương người si mê nặng nghiệp này hơn người khác, nhưng không sao độ được, không sao thỏa mãn lời cầu xin không sáng suốt được. Phật không buông xuôi bỏ rơi hạng người này, trước hết độ cho họ trở nên sáng suốt, đừng cầu xin những điều mờ ám, u mê nữa, mà cầu xin những điều chánh đáng, cầu chánh đạo.

Niệm Phật là giai đoạn kế tiếp. Niệm là nhớ đến, nghĩ đến, niệm Phật là cảm thấy ân huệ của Phật đã đến với mình, cảm thấy Phật đang độ mình, đang khai thị cho mình nhìn thấy mọi việc đâu là chánh là tà, đâu là chân là giả, đâu là thực là hư. Như vậy, niệm Phật càng nhiều, càng thường xuyên càng tốt, thậm chí đến độ thường niệm, luôn luôn không lúc nào dứt, giống như hít thở, như tim đập gắn liền với sự sống, trở thành một thói quen tự nhiên, không còn phải tập trung chú ý đến nữa. Trường hợp miên mật trì niệm như vậy là ý nghĩa câu 'Niệm vô niệm, niệm', niệm thường xuyên, miên mật đến độ như vô niệm, như thói quen tự nhiên, đó chính là niệm một cách chân thực, tròn đầy. Trong thực tế, người tu học thường có những sai sót như trong lúc lễ Phật không nghĩ đến Phật đang ban ân cứu độ cho mình, chỉ tỏ lòng kính lễ và cầu Phật nhưng kém lòng tin tưởng và biết ân Phật đang mở mắt cho mình sáng lòng sáng dạ. Hoặc là chỉ niệm Phật thoáng nhanh trong giây lát lúc chắp tay cúi đầu, thực hiện nghi thức lễ Phật, coi như một thủ tục bắt buộc, không coi là một việc làm tự nguyện, do đó trong khóa lễ cảm thấy dài lâu, sốt ruột, chỉ mong cho mau chấm dứt. Ðây là có niệm nhưng là tà niệm, chưa phải là chánh niệm, chưa gọi được là niệm Phật. Niệm Phật chân chánh là luôn luôn giữ vững chánh niệm, không chao đảo, không bị những tạp niệm quấy phá, thường được gọi là trì niệm, giống như trì giới, trì kinh.

Trì giới đi liền với trì niệm là giữ giới không lúc nào buông thả. Trì giới là thực hành những đạo hạnh của Phật. Không trì giới thì những ác nhân không tiêu trừ được, giống như trong vườn cần nhổ hết cỏ dại, cỏ xấu để lấy chỗ trồng cây tốt lành có hoa thơm trái ngọt. Vườn tâm hay tâm địa của chúng sanh cũng vậy, gột sạch ác nhân tà niệm để tăng trưởng đạo hạnh theo sự soi sáng của Như Lai. Ðể thấy rõ sự quan trọng của việc trì giới, chúng ta hãy hình dung tưởng tượng một mảnh vườn. Người làm vườn sáng suốt phải đặt vấn đề nhổ hết cỏ dại, cỏ xấu, không thể vừa trồng cây tốt lành vừa để cỏ dại mọc hoang, không thể nghĩ rằng chỉ cần tưới nước bón phân là đủ có hoa thơm quả ngọt. Cần biết rằng phân nước tốt cho cây đem trồng nhưng cũng rất tốt cho cỏ dại lan nhanh khắp vườn. Hơn nữa, nhổ cỏ dại là công việc thường xuyên, mỗi khi thấy mọc lên là lại phải nhổ, không phải là việc chỉ làm có một lần là xong, không cần phải quan tâm tới nữa. Trì giới cũng vậy, người tu Phật giống như người làm vườn thường xuyên chăm lo việc nhổ cỏ dại, lãng quên là cỏ dại lan ra rất nhanh, đòi hỏi nhiều công sức hơn mới tiêu trừ được.

Muốn cho công việc đở tốn công phu, nhổ cỏ dại phải nhổ ngay khi mọc lú lên, mới phát hiện cỏ mọc và phải nhổ hết cả rễ của cỏ, không để sót phần rễ ăn sâu dưới đất. Trì giới cũng như vậy, phải phanh phui những tà niệm, ác nhân tiềm ẩn trong tâm địa hành giả tu học, phải luôn luôn sám hối thường xuyên giữ cho tâm được thanh tịnh. Sự so sánh việc trì giới với việc nhổ cỏ dại chỉ diễn được ý phải thường xuyên chăm lo việc trì giới. Về mặt thực hành, việc trì giới và sám hối có nhiều khó khăn, nhiều trở ngại vi tế hơn việc nhổ cỏ dại. Lý do cỏ dại và người nhổ cỏ là hai thực thể riêng biệt, người quyết tâm nhổ dể nhìn thấy cỏ dại, công việc trừ cỏ dại vì thế có phần dễ dàng hơn; việc trì giới và sám hối là chính hành giả lại nhìn lại chính mình, nhìn sao cho thấy điều mình phạm giới để còn sám hối nguyện giải trừ. Hành giả phải lắng lòng cho an tịnh để có thể nhìn thấy rõ vọng ngã, vọng tâm chao đảo của chính mình, vai trò chủ thể làm việc nhìn thấy và đối tượng bị nhìn thấy lại là một người duy nhất, là chính hành giả không phải người nào khác. Người phạm giới như người có vết bẩn ở mặt mình, mắt mình không sao nhìn thấy vết bẩn được. Muốn thấy cần phải soi gương hay nhờ người khác nói cho mới biết để lau chùi được. Ai cũng có vết bẩn trên mặt cả, duy đáng thương hơn cả là người không soi gương, không có ai bảo cho để lau chùi cho sạch!

Ðọc kinh là việc làm có mục đích làm cho hành giả sáng tỏ cái lý của Phật như lý nhân quả, lý vô thường, lý vô ngã... Ðọc kinh cần đọc nhiều lần cùng một bộ, cùng một câu nên thường gọi là tụng kinh; đọc thuộc lòng rồi chưa đủ, tụng đến khi nào thấu suốt được ý nghĩa của câu kinh, sáng tỏ được cái lý của Phật nên thường gọi là niệm kinh hay niệm Phật, hay còn nói cả cụm từ tụng kinh niệm Phật. Một khi hiểu được, bừng tỏ được cái lý Phật dạy, rồi đem áp dụng vào cuộc sống thực tại hằng ngày thì gọi là trì kinh. Ðọc kinh, tụng kinh chỉ là bước đầu, sau dẫn đến niệm kinh, trì kinh, có như vậy việc đọc kinh mới thực hiện được viên mãn. Ðọc tụng không có nghĩa là phát nên âm thanh ở cửa miệng câu kinh câu kệ in trong kinh sách mà không sáng tỏ được cái lý của Phật dạy.

Người không biết chữ có đọc được kinh không? Dĩ nhiên, người không biết chữ không tự đọc lấy được câu kinh in trong kinh sách, nhưng người này vẫn nghe được kinh do người khác đọc hay thuyết giảng. Biết chữ thì đọc, không biết chữ thì nghe, điều quan tâm là đọc thấy, nghe thấy, cái 'thấy ' là cái đích cần đạt tới, còn cái 'đọc' hay cái ' nghe' chỉ là phương tiện cho hành giả tùy nghi sử dụng. Lục tổ Huệ Năng không biết chữ, chỉ nghe kinh rồi ngộ đạo là một bằng chứng quá rõ ràng cụ thể, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa.

Tọa thiền hay thường nói là ngồi thiền, ngồi để dẫn dụ cái tâm của mình đến chỗ thanh tịnh và an định, không còn bị lục trần, ngũ uẩn dấy khởi lên trong tâm thức. Nói cách khác, ngồi thiền để dẹp an vọng tâm, vọng thức của mình, giống như mặt nước để yên sẽ phẳng lặng, trong suốt, nhìn rõ bóng trăng chiếu vào, không để cho mặt nước gợn sóng nhấp nhô làm tan mất mặt trăng chiếu vào. Mặt nước ví dụ như tâm mình, bóng trăng như chân lý, chánh đạo; mặt nước yên lặng chiếu được bóng trăng là chân tâm thông suốt được vạn pháp, ngộ được chánh đạo; mặt nước có sóng gợn nhấp nhô làm tan vỡ bóng trăng là vọng tâm chao đảo, không thông suốt được vạn pháp, không nhìn thấy được chánh đạo, luôn luôn đuổi theo những hình bóng không thực, hão huyền, không bao giờ nắm bắt được; gió thổi làm cho mặt nước gợn sóng nhấp nhô là lục trần, ngũ uẩn làm cho tâm thức vọng động. Tọa thiền là nhiếp tâm cho an định để thông suốt vạn pháp, gột rửa hết phiền trược, là kiến tánh ngộ đạo, đạt tới cảnh giới chư Phật. Về mặt thực hành, một câu hỏi đặt ra: Tại sao lại tọa thiền? Thiền lại ngồi, đi đứng hay nằm có thiền được không? Ngồi kiết già hay bán kiết là cái thế thuận lợi nhất cho việc nhiếp tâm tu thiền. Hai thế đi và đứng dễ làm cho người tu thiền lãng tâm, cần phải vận dụng chú tâm nhiều mới đạt được cái tâm an tịnh. Thế nằm dễ làm cho người tu thiền thư dãn rơi vào hôn trầm, cũng cần phải vận dụng chú tâm nhiều mới tỉnh táo hành thiền được. Hành thiền là một việc làm tích cực ở thế ngồi yên, không phải là một dạng nghỉ ngơi, thư dãn. Ngồi là cái thế thuận lợi, không phải là một điều kiện bắt buộc đối với người tu thiền. Nếu thấy ngồi không thuận lợi cho trường hợp cá nhân mình, người tu thiền vẫn đạt được kết quả tốt ở các thế đi, đứng hay nằm.

Tham thiền là thiền đến mức độ tâm đã an định, không còn vọng động nữa; trở nên sáng tỏ mọi việc, minh chiếu vạn pháp, thấy rõ mọi sự mọi lý như thường nói tham thiền nhập định. Khi đã nhập chánh định, có cái tâm hư không, người tham thiền lúc bấy giờ thấy tâm mình hòa hợp với tâm Phật, tâm mình với tâm Phật hợp với nhau cùng một thể duy nhất, không còn thấy đâu là mình, đâu là Phật nữa. Hành giả đã có tâm Phật, đã giác ngộ thành Phật. Nói cách khác, tọa thiền là đạt đến cảnh giới chư Phật, giống như người đã đi đến nơi nước Phật, người tọa thiền là du khách đến chơi, được mắt thấy tai nghe mọi sinh hoạt của chư Phật. Còn tham thiền là khi hành giả không còn là ông khách đến chơi cảnh Phật nữa, đã có tâm giống như tâm chủ nhân, đã trở thành một trong những chủ nhân nơi nước Phật. Nói đơn giản hơn là người tham thiền nhập chánh định đã sống ở Niết bàn tự tại ngay giữa chốn thế gian này.

Thuyết pháp là phần hành của người tu Phật, đã nhận mình là con Phật có nhiệm vụ gánh vác công việc của Như Lai giao phó. Ðó là làm viên mãn đại nguyện của Phật, cứu độ chúng sanh thoát khỏi vô minh tội lỗi, thoát khỏi trầm luân trong biển khổ. Thuyết pháp là dạng pháp thí, một dạng bố thí, một dạng của hạnh Bồ Tát cứu độ chúng sanh. Việc làm viên mãn đại nguyện của Phật là việc làm của người tu để thành hoạt Phật, thành Bồ Tát độ sinh của Ðại thừa. Người tu Tiểu thừa, đạt được đạo vị Diệt tận định để thành A la hán, không thành Bồ Tát, hoặc sẽ thành chân Phật nhập diệt Niết bàn, không có ứng thân để độ sinh trong cõi ta bà. Trường hợp tu Tiểu thừa này không có phần hành cứu độ chúng sanh, do đó không có việc thuyết pháp.

Ðể kết luận việc tu Phật, chúng ta có thể mượn lời Bạt hậu trong khóa Hư lục của vua Trần Thái Tôn soạn ra để dạy con dân chăm lo việc tu hành cho chóng đạt được đạo quả: "Lễ Phật là cung kính đức tính của Phật, niệm Phật là cảm cái ân của Phật, trì giới là thực hành đức hạnh của Phật, đọc kinh là để tỏ rõ chân lý của Phật, ngồi thiền là đi vào cảnh giới của Phật ở trong tâm mình, tham thiền là hòa hợp tâm mình vào cái tâm của Phật, thuyết pháp là làm cho trọn vẹn ý nguyện của Phật" (1).

Vắn tắt và đơn giản hơn, tu Phật là cố gắng nhìn cho thấy Phật và bắt chước làm giống như Phật và trở thành hoạt Phật lúc nào cũng không biết nữa.

Chú thích:

(1) Nguyên chữ Hán như sau: Lễ Phật giả, kính Phật chi đức. Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân. Trì giới giả, hành Phật chi hạnh. Khán kinh giả, minh Phật chi lý. Tọa thiền giả, đạt Phật chi cảnh. Tham thiền giả, hợp Phật chi tâm. Thuyết pháp giả, mãn Phật chi nguyện.
(Bạt hậu) Trần Thái Tôn


From: Phat-Hoc Magazine, March 1997, http://www.win.net/phathoc/